Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu được 348.000 tấn điều nhân, đạt kim ngạch 2,84 tỷ USD, tăng 5,6% về lượng và tăng 18,4% về giá trị so với cùng kỳ 2015.
Hạt điều Việt Nam được xuất khẩu sang 90 thị trường, trong đó Mỹ chiếm thị phần cao nhất với khoảng 35%, các quốc gia châu Âu và Anh là 25% và Trung Quốc 18%.
Như vậy, kể từ năm 2006, liên tiếp trong 11 năm vừa qua, Việt Nam là nước chế biến xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, chiếm trên 50% lượng điều thô chế biến và 42% lượng điều nhân xuất khẩu toàn cầu.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả xuất khẩu ấn tượng như trên, trong năm 2016 các doanh nghiệp (DN) đã phải nhập khẩu sản lượng điều thô lớn nhất từ trước đến nay là 1,06 triệu tấn, tăng 14% so với năm trước đó, chủ yếu từ khu vực châu Phi. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Vinacas dự kiến, năm 2017, lượng điều thô nhập khẩu dự kiến khoảng 1,1 triệu tấn. Trong khi đó, điều thô trong nước sản lượng chỉ khoảng 400.000 tấn.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas cho biết dù nhập khẩu một lượng lớn điều thô, nhưng với máy móc chế biến khá hiện đại, các DN trong nước có thể tăng thêm được khoảng 30% giá trị từ hạt điều thô. Như vậy, việc nhập khẩu là tích cực. Tuy nhiên các DN cũng gặp bất lợi do lệ thuộc lớn nguồn cung.
Theo ông Thanh, DN trong nước cần khắc phục điểm yếu nhất là sự liên kết chưa chặt chẽ, đôi khi còn mạnh ai nấy mua. Trong khi nếu các DN cùng hiệp lực, chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ cuộc chơi, bởi Việt Nam là nước chế biến xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, chiếm trên 50% lượng điều thô.
Vinacas dự báo năm 2017, ngành điều vẫn tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu tiêu dùng của thế giới không giảm. Tuy nhiên, về giá cả, theo ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Vinacas, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng, giá điều có thể đã đạt đỉnh trong giai đoạn cuối năm 2016. Do vậy, các DN cần thường xuyên cập nhật diễn biến giá cả thị trường để có điều chỉnh hợp lý trong sản xuất kinh doanh.