Dù đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn điều thô. Do đó, để tiếp tục giữ vững vị trí cũng như chất lượng điều chế biến của Việt Nam trên thị trường thế giới, ngoài chú trọng nguyên liệu trong nước thì chất lượng điều thô nhập khẩu cũng có vai trò quan trọng không kém.
Phụ thuộc lớn vào chất lượng nguyên liệu nhập khẩu
Trong năm 2016, sản lượng điều toàn cầu đạt hơn 3 triệu tấn. Trong đó cao nhất là Ấn Độ (725.000 tấn) và Bờ Biển Ngà (719.000 tấn). Tuy nhiên, Việt Nam lại chế biến hơn 50% sản lượng toàn cầu, gấp hơn 2 lần sản lượng nguyên liệu hiện có trong nước.
Do không chủ động được nguồn nguyên liệu nên khó kiểm soát về chất lượng và an toàn thực phẩm. Đây là khó khăn lớn của ngành chế biến điều Việt Nam hiện nay.
Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhật Huy, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam, trong các thị trường nhập khẩu điều chế biến của Việt Nam, thị trường Mỹ chiếm 35%, Trung Quốc chiếm 18%, Châu Âu, Anh 25% và còn lại là các thị trường khác. Trong các thị trường này thì thị trường Mỹ và Châu Âu yêu cầu các chỉ tiêu chất lượng điều cao nhất.
Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư vào chất lượng điều nguyên liệu trong nước thì với nguồn nguyên liệu điều nhập khẩu cũng cần phải chú trọng chất lượng không kém.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Giám đốc Vinacontrol, lượng điều thô nhập khẩu từ Châu Phi trong năm 2016 có chất lượng giảm rõ rệt so với năm 2015. Khi về đến Việt Nam, tỉ lệ hàng hư hỏng, ẩm mốc, mọc mầm cao.
Bên cạnh ảnh hưởng của thời tiết năm 2016 không thuận lợi thì khâu thu hoạch, xử lý và kĩ thuật bảo quản điều thô chưa tốt đã gây ra tình trạng này, làm nhiều doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam bị thất thoát nặng.
Thêm vào đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2017 diễn ra hiện tượng ENSO (pha trộn giữa hiện tượng El Nino và LaNina), nắng nóng kết hợp với mưa kéo dài, mùa khô ngắn hơn những năm trước 2 tháng làm ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, đậu trái ở cây điều, làm sản lượng điều trong năm 2017 rơi vào báo động giảm, khoảng 40%, chất lượng cũng suy giảm theo, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư kí Hiệp hội điều Việt Nam chia sẻ.
Chính vì điều này, các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới phải đầu tư thêm sân phơi, máy bắn màu để phục vụ cho phơi điều trong điều kiện thu hoạch gặp mưa, ẩm mốc. Không những vậy các doanh nghiệp cũng tăng cường đầu tư thiết bị để rút ngắn thời lượng chế biến điều so với trước đây để xử lý kịp thời nguồn nguyên liệu nhập khẩu có độ ẩm cao.
Tăng nhập khẩu nguyên liệu điều
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam , năm 2017 ngành điều phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD, tăng 160 triệu USD so với năm 2016. Tuy nhiên, so với dự kiến sản lượng ban đầu của Việt Nam đạt 550.000 tấn điều thô, thì biến động thời tiết bất thường này làm cho sản lượng điều chỉ đạt 300.000 tấn, thấp hơn năm 2016 hơn 150.000 tấn và thấp hơn dự kiến cho chế biến năm 2017 là 250.000 tấn.
Để đáp ứng mục tiêu xuất khẩu đã đề ra là đạt 3 tỷ USD trong năm 2017, và giải quyết bài toán nguyên liệu tăng thêm này, các doanh nghiệp chế biến điều đã đưa ra giải pháp tăng nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu lên 200.000 tấn, đạt 1,3 triệu tấn nguyên liệu điều thô nhập khẩu phục vụ cho chế biến.
Trong đó, các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh rằng, song song với việc tăng sản lượng điều nhập khẩu thì chất lượng nguyên liệu cũng phải giữ vững để hạn chế phần khấu hao và thiệt hại do điều chua, ẩm mốc, kém chất lượng mà giá nhập khẩu lại cao khi hút hàng.
Ông Vũ Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Long Sơn cho biết, theo dự báo của các doanh nghiệp thu mua điều nguyên liệu, sản lượng điều của Campuchia trong năm 2017 ước đạt 150.000 tấn, có thể đáp ứng sản lượng mà Việt Nam đang cần.
Hơn nữa, chất lượng điều của Campuchia tương đương với chất lượng điều của Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến có thể thuận lợi hơn trong khâu chế biến và tránh thất thoát do hạt hư, hạt xấu và đoạn đường vận chuyển nguyên liệu cũng dễ dàng hơn so với các quốc gia trồng điều khác khi thu mua nguyên liệu từ Campuchia.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu, toàn ngành điều, đặc biệt là các doanh nghiệp thu mua điều tiếp tục hướng dẫn nông dân thâm canh điều, ghép cải tạo các vườn điều lớn tuổi để cải thiện chất lượng hạt điều song song với nâng cao sản lượng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến điều cũng đẩy mạnh hợp tác sản xuất, liên kết 4 nhà tạo vùng nguyên liệu vững chắc trong nước song song với quan hệ đa phương với các Hiệp hội hạt quốc tế, nắm vững thị trường xuất khẩu cũng như chủ động hơn về giá xuất khẩu điều trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Thanh cho biết thêm.
Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 300.000 ha điều, tập trung chủ yếu ở Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2017, ngành điều xuất khẩu đạt 18.000 tấn, với kim ngạch 164.000 USD, giảm 27,8% về lượng, giảm 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.