Có tiền có hết 'điểm yếu'?

Cập nhật: 29/08/2015
Lượt xem: 1914
Ngành điều Việt Nam đang dẫn đầu xuất khẩu trên thế giới, nhưng vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu cốt tử, nếu không sớm khắc phục sẽ đối mặt những bất lợi trong thời gian tới.
 
Cuối tháng 7/2015 vừa qua, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã đề xuất Bộ NN&PTNT thông qua chủ trương thành lập Quỹ hỗ trợ liên kết sản xuất và xuất khẩu điều nhằm ổn định sản xuất điều, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ của doanh nghiệp trồng điều, hạn chế rủi ro trong mua bán, xuất khẩu. Quỹ được thành lập với nguồn thu từ 4 nguồn: Hỗ trợ của Nhà nước, phần thu trên đầu tấn xuất khẩu của tất cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều, nguồn tài trợ và nguồn thu khác.
 
Điểm yếu của ngành điều
 
Các chuyên gia ngành điều cho rằng việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển ngành điều hiện nay là rất cần thiết. Bởi lẽ trong vòng 9 năm trở lại đây, Việt Nam luôn là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu hạt điều, chiếm khoảng 30% thị phần điều chế biến của thế giới. Tuy nhiên, để giữ mức tăng trưởng xuất khẩu liên tục, lợi thế dẫn đầu của ngành điều vẫn bộc lộ điểm yếu cần phải khắc phục .
 
Việc đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ là động thái mới nhất của Vinacas trong bối cảnh ngành điều thường xuyên thiếu hụt nguyên liệu điều thô để chế biến như hiện nay. Uớc tính mỗi năm, ngành điều phải nhập khẩu khoảng 500.000 - 600.000 tấn điều thô (trong đó ít nhất 50 - 60% đến từ châu Phi).
 
Sản lượng nhập khẩu đang tăng lên liên tục trong nhiều năm nay nhằm phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, lượng điều thô nhập khẩu để chế biến đã đạt tới 414.000 tấn, trị giá 527 triệu USD, tăng 73,2% về khối lượng và tăng gấp 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
 
Điểm yếu cốt tử của ngành điều là phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu điều thô nhập khẩu, nhất là từ châu Phi. Nguyên do được lý giải là diện tích điều Việt Nam giảm mạnh trong những năm giá mủ cao su cao nên sản lượng năm cao nhất chỉ đạt khoảng 400.000 tấn, trong khi nhu cầu chế biến từ 1 - 1,2 triệu tấn.
 
 
Trong khi đó, điều thô nhập khẩu lại có chất lượng thấp hơn điều trong nước, nên nhiều rủi ro về chất lượng sản phẩm là điều không tránh khỏi. Mặt khác, năm nay, do nguồn cung điều thô từ châu Phi hạn chế do mất mùa cộng với tình trạng giá điều thô tăng mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp chật vật xoay sở nguồn nhập khẩu hạt điều thô. Thực tế cho thấy năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của ngành công nghiệp chế biến điều. Còn các doanh nghiệp xuất khẩu thì thiếu sự liên kết với các hộ sản xuất do quy mô quá nhỏ lẻ. Do đó, khoảng 70% điều thô bắt buộc phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu chế biến ở trong nước.
 
Việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu làm cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu chịu chi phí cao, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp. Điểm yếu này sẽ càng trở nên bất lợi khi Việt Nam tham gia vào TPP.
 
Đó là chưa kể ngành điều đang có tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân ngày càng đông theo từng năm dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng không đồng đều.
 
Năm 2014 có tới 345 doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân, nhưng trong đó có đến 73% chỉ có kim ngạch chưa đến 5 triệu USD. Không những vậy, cả nước có khoảng 265 cơ sở chế biến điều với công suất chế biến 1,2 triệu tấn điều hạt/năm, trong đó có 119 cơ sở, doanh nghiệp xếp loại C, tức là không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chiếm gần 45% và điều này tiềm ẩn những rủi ro cho ngành sản xuất và xuất khẩu hạt điều.
 
Đơn cử mới đây, Tổ chức FDA (Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ) có chuyến sang Việt Nam khảo sát nhiều cơ sở chế biến điều xuất khẩu vào thị trường Hòa Kỳ ở các tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Nếu các cơ sở này không đáp ứng được yêu cầu chất lượng thì sẽ khó thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ.
 
Trước những bất cập của ngành điều, trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, đã đề nghị Nhà nước cần tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp ngành điều phát triển bởi vì điều là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
 
Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy khối lượng nhân điều xuất khẩu đạt 150.000 tấn với 1,08 tỷ USD, tăng 14% về khối lượng và tăng 28,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Hạt điều là 1 trong 2 mặt hàng có tăng trưởng vững chắc về lượng và giá, đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
 
Một chuyên gia ngành điều nhận định rằng nhu cầu điều nguyên liệu lớn nhưng việc phát triển vùng nguyên liệu trong nước đang vô cùng khó khăn. Diện tích trồng điều ngày càng giảm sút, trong giai đoạn từ 2005 - 2014, diện tích điều đã giảm 122.200 ha do trồng điều do người dân có thu nhập không cao.
 
Giải bài toán nguyên liệu
 
Các doanh nghiệp chế biến điều chỉ chú trọng làm sao có nhiều sản phẩm xuất khẩu, tăng lợi nhuận kinh doanh chứ chưa cùng ngồi lại tập trung phát triển vùng nguyên liệu bền vững.
 
Thâm canh, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất là một trong những vấn đề quan tâm nhất hiện nay của ngành điều.
 
Là 1 trong 3 nước có diện tích và sản lượng điều cao nhất thế giới, hiện Việt Nam có khoảng 450.000 ha điều được trồng tập trung nhiều nhất chủ yếu ở các tỉnh Đông Nam bộ như: Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và vùng Tây Nguyên.
 
 
Các chuyên gia ngành điều cho rằng việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển ngành điều hiện nay là rất cần thiết.
 
Tuy nhiên, hơn 75% diện tích vườn điều là giống cũ, quảng canh, chưa được cải tạo… gây nhiều khó khăn trong việc đầu tư để tăng năng suất. Trong khi đó, theo quy hoạch ngành điều của Bộ NN&PTNT, đến năm 2020, diện tích trồng điều cả nước ổn định 300.000 ha, năng suất bình quân 1,5 tấn/ha. Ở vùng trồng điều tập trung thuộc vùng trọng điểm đạt trên 2 tấn/ha; sản lượng hạt điều khoảng 400.000 tấn. Chính vì vậy, trong đề án thành lập Quỹ hỗ trợ liên kết sản xuất và xuất khẩu điều, Vinacas cho biết sẽ dành khoảng 50% kinh phí của Quỹ để hỗ trợ cho chương trình thâm canh cải tạo vườn điều và nghiên cứu giống, hỗ trợ nông dân trồng điều.
 
Phần còn lại của Quỹ sẽ chi cho việc nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ, chế tạo thiết bị chế biến điều, nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu chế biến, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường trong nước.
 
Một điều mà hầu hết doanh nghiệp và các chuyên gia ngành điều quan tâm chính là Quỹ hỗ trợ phát triển như thế nào để đảm bảo sự minh bạch, công khai và hiệu quả.
 
Về mặt chủ trương, việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển đã nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cách thức thu và vận hành Quỹ như thế nào thì vẫn còn phải chờ thời gian triển khai nhằm đem lại hiệu quả cho ngành điều thời gian tới.
  • POSCO
  • AMINE
  • KYOEI
  • POSCO
  • AMINE
  • KYOEI
Đối tác - khách hàng
Bản quyền thuộc về  Công ty Cổ phần Sản xuất & XNK Việt Phúc
Thiết kế website bởi Tất Thành