Sản xuất dầu biodiesel từ... mỡ cá da trơn

Cập nhật: 29/08/2015
Lượt xem: 3016
Sáng 13-7, sau khi khảo sát thực tế dây chuyền sản xuất dầu biodiesel của Công ty TNHH Minh Tú (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), lãnh đạo Sở Công nghiệp, Sở Khoa học- Công nghệ TP Cần Thơ không khỏi ngỡ ngàng vì tính hiệu quả cao của loại dầu này
 
Năm 2002, trong một chuyến đi công tác tại các nước châu Âu, ông Trịnh Minh Tú, Giám đốc Công ty Minh Tú, tình cờ đọc được một số tài liệu nói về đề tài sản xuất dầu sinh học biodiesel bằng phương pháp thủ công từ nguyên liệu thực vật là cây cải dầu (brassica napus). Vốn trước đây từng có thời gian công tác trong ngành hóa chất, nên ông Tú nhanh nhạy nghĩ ra rằng đề tài này có thể hoàn toàn ứng dụng được ở bất kỳ nơi nào có nguồn triglyceride (mỡ động vật và dầu thực vật...) phong phú như Việt Nam. Và thế là, ông bắt tay vào nghiên cứu.
 
Ba năm và 100 triệu đồng
 
Để thực hiện đề tài nghiên cứu này, ông Tú thường xuyên... mất ăn mất ngủ để tìm kiếm các tài liệu trong nước và thu thập các nguồn thông tin trên mạng Internet của các nước từ châu Á đến châu Mỹ, châu Âu... Từ đó, ông nhận biết rằng việc sản xuất nhiên liệu sinh học biodiesel đã được thế giới đưa vào sử dụng rất phổ biến từ hơn 10 năm trước với dạng sản xuất thủ công. Bởi lẽ, biodiesel là một loại nhiên liệu có tính chất tương đương với dầu diesel khoáng sản nhưng được sản xuất từ một phản ứng hóa học rất đơn giản.
 
Sau khoảng 3 năm nghiên cứu với biết bao trở ngại, khó khăn tưởng chừng như thất bại, nhưng cuối cùng, vào đầu năm 2006, ông Tú đã mạnh dạn bỏ ra 100 triệu đồng để tự lắp đặt một dây chuyền sản xuất thử nghiệm dầu biodiesel từ mỡ cá da trơn với quy mô 300 lít/giờ.
 
Giá thành hạ, giảm ô nhiễm môi trường
 
Để sản xuất dầu biodiesel, các cán bộ kỹ thuật của Công ty Minh Tú tiến hành pha khoảng 15% methanol vào mỡ cá đã tinh chế và dùng một số chất xúc tác như: hydroxyl natri, hydroxit kali... Ở áp suất thông thường và nhiệt độ vào khoảng 60oC, liên kết ester của glycerine sẽ bị phá hủy và axít béo sẽ được ester hóa với methanol để cho ra đời biodiesel. Ông Tú tính toán, cứ một kg mỡ cá khoảng 4.300 đồng, sau khi qua dây chuyền sản xuất sẽ cho ra được một lít dầu biodiesel có giá khoảng 6.800 đồng.
 
Kết quả thử mẫu tại Công ty Liên doanh Dầu khí Mê Kông cho thấy, dầu biodiesel đạt gần như 100% so với tiêu chuẩn dầu diesel Việt Nam và tiêu chuẩn của các nước trên thế giới, nhưng giá thành giảm khoảng 15% so với dầu diesel trên thị trường. Đặc biệt, dầu biodiesel có nhiều ưu điểm đối với môi trường so với diesel, như: biodiesel phát sinh khí thải ít hơn rất nhiều so với dầu diesel; bụi trong khí thải giảm được phân nửa; các hợp chất hydrocacbon được giảm thiểu đến 40%...
 
Hợp đồng xuất khẩu đầu tiên
 
Chính vì tính năng vượt trội và hiệu quả kinh tế cao của dầu biodiesel, nên mới đây, một công ty ở Campuchia đã tiến hành ký hợp đồng nhập khẩu 2 triệu lít dầu biodiesel/năm với Công ty Minh Tú. Thời gian thực hiện hợp đồng bắt đầu từ tháng 1- 2007, với giá 0,45 USD/lít.
 
Công ty Minh Tú cũng vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất dầu biodiesel quy mô 3 triệu lít/năm, với tổng kinh phí xây dựng khoảng 12 tỉ đồng, tọa lạc trên diện tích 3.600 m2. Toàn bộ thiết bị, công nghệ do công ty thiết kế và chế tạo mang tính năng tự động hóa và khép kín hoàn toàn.
 
Bà Nguyễn Thị Ý Nguyện, Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết tới đây sở sẽ sớm đứng ra hướng dẫn cho Công ty Minh Tú đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (nhãn, kiểu dáng công nghiệp). Nếu đơn vị muốn, sở sẽ giới thiệu tham gia các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật để thương hiệu dầu biodiesel sớm trở nên quen thuộc với người tiêu dùng.
 
Phó Giám đốc Sở Công Nghiệp TP Cần Thơ Phạm Văn Trung:
 
Góp phần tiêu thụ lượng lớn phế phẩm cá tra, cá ba sa
 
Tôi rất bất ngờ về mức độ thành công từ đề tài nghiên cứu của ông Tú. Tính hiệu quả của dầu biodiesel như thế nào còn phải chờ các ngành chức năng của TP và của Trung ương xem xét thêm mới có kết luận chính thức. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thực tế dây chuyền sản xuất loại dầu này tại Công ty Minh Tú, tôi có thể khẳng định rằng ngoài yếu tố giá thành hạ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... thì nhà máy này ra đời với quy mô 3 triệu lít/năm sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương và góp phần tiêu thụ một lượng lớn phế phẩm (mỡ) bỏ ra từ cá tra, cá ba sa của khu vực ĐBSCL.
  • POSCO
  • AMINE
  • KYOEI
  • POSCO
  • AMINE
  • KYOEI
Đối tác - khách hàng
Bản quyền thuộc về  Công ty Cổ phần Sản xuất & XNK Việt Phúc
Thiết kế website bởi Tất Thành